
Tại buổi tiếp, Cục trưởng Lê Phú Hà cho biết, Cục CĐS luôn luôn mong muốn hợp tác, hỗ trợ chuyên môn về công tác CĐS với các đơn vị thuộc Bộ TN&MT Lào, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, nhằm thúc đẩy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam - Lào, trong đó có mối quan hệ đặc biệt giữa Bộ TN&MT của 2 nước. Cục CĐS sẽ không ngừng nâng cao chất lượng hợp tác trong công tác CĐS, cùng phấn đấu để các thành tựu hợp tác ngày càng tương xứng với tầm vóc của quan hệ giữa hai Bộ TN&MT nói riêng, quan hệ đặc biệt hai nước Việt-Lào nói chung.

Cục trưởng Lê Phú Hà đề nghị đưa nội dung về chuyển đổi số, phát triển CPĐT, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là một trong các nội dung hợp tác giữa hai Bộ, qua đó hai bên phối hợp xây dựng các nhiệm vụ, báo cáo Chính phủ để triển khai thực hiện. Cục luôn sẵn sàng hợp tác, trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật đối với các nội dung mà Cục đã có kinh nghiệm trong xây dựng, triển khai, cụ thể:

(1) Xây dựng, triển khai các Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch về chuyển đổi số, phát triển CPĐT, chính phủ số lĩnh vực TN&MT;
(2) Xây dựng, vận hành, cập nhật kiến trúc CPĐT và kiến trúc các hệ thống thông tin quan trọng trong lĩnh vực TN&MT;
(3) Xây dựng, vận hành các hệ thống thông tin, CSDL lớn như đất đai, môi trường, khí tượng thủy văn, …phục vụ chuyển đổi số lĩnh vực TN&MT;
(4) Bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin và bảo vệ an ninh mạng
(5) Đào tạo, tập huấn cho lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật về chuyển đổi số, CPĐT và chính phủ số.

Ông Nguyễn Bảo Trung - Phó cục trưởng Cục CĐS đã thay mặt lãnh đạo Cục, báo cáo kết quả, kinh nghiệm trong hoạt động chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường. Trong báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống văn bản của Đảng, Chính phủ, Bộ TN&MT về công tác chuyển đổi số và việc xây dựng, ban hành và thực thi Kiến trúc tổng thể ngành TN&MT. Trong đó bao gồm Kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT) ngành TN&MT và kiến trúc các hệ thống thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng để định hướng, dẫn dắt và thúc đẩy phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số và chuyển đổi số ngành TN&MT đáp ứng mục tiêu đã đề ra.

Phát triển hạ tầng số, hạ tầng kỹ thuật CNTT, sử dụng chung, quản lý tập trung tại các Trung tâm dữ liệu, từng bước được nâng cấp thông qua các dự án của Bộ, sử dụng công nghệ điện toán đám mây, có khả năng mở rộng linh hoạt, khai thác sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, cung cấp tài nguyên lưu trữ, tính toán đáp ứng nhu cầu cho các đơn vị thuộc Bộ, hỗ trợ các Sở Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, để thúc đẩy không sử dụng văn bản giấy trong chỉ đạo điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Bộ đã triển khai chữ ký số, chứng thư số, chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, đến nay đã cấp 3.330 chứng thư số cho tổ chức, cá nhân và 403 sim ký số. Bộ cũng đã hoàn thành công tác chuyển đổi IPv6 theo Chương trình IPv6 For Gov.
Xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia như CSDL đất đai quốc gia; CSDL nền địa lý quốc gia; CSDL chuyên ngành tài nguyên và môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các Đề án xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tài nguyên và môi trường theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Phát triển, vận hành các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành; Hệ thống quản lý văn bản và Hồ sơ điện tử; Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (LGSP) và Hệ thống thông tin báo cáo tổng hợp ngành tài nguyên và môi trường.
Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin; xác định và thực thi bảo vệ hệ thống thông tin theo cấp độ; bảo đảm các công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin, phòng, chống phần mềm độc hại, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, không để xảy ra các sự cố mất an toàn thông tin nghiêm trọng.

Thành viên đoàn công tác Lào đã có những trao đổi, thảo luận về chuyên môn với lãnh đạo Cục CĐS. Để trả lời câu hỏi về việc rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi số. Phó cục trưởng Nguyễn Bảo Trung đã cho biết, trong 3 năm gần đây (2020-2022), chuyển đổi số ngành TN&MT đã có các kết quả, bước tiến nhanh, vững chắc. Kết quả đánh giá chuyển đổi số các bộ, ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận công tác chuyển đổi số ngành TN&MT từ vị trí xếp hạng thứ 15 năm 2020, lên thứ 7 năm 2021 và đặc biệt năm 2022, Bộ TN&MT đã vươn lên xếp hạng 3 trong tổng số 17 bộ, ngành (có cung cấp dịch vụ công trực tuyến). Để đạt được các kết quả trên, có các bài học kinh nghiệm được rút ra như sau:

Một là, luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển CPĐT, chính phủ số; khẩn trương hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động; quyết liệt trong tổ chức thực hiện.
Hai là, cần có quyết tâm chính trị lớn trong việc tổ chức triển khai thực hiện trong các cấp lãnh đạo (Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị) đến các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đặc biệt là vai trò của người đứng đầu Bộ (Bộ trưởng) cũng như thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ. Bộ TN&MT đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số, trong đó Bộ trưởng là Trưởng ban, Thứ trưởng phụ trách CNTT, chuyển đổi số là Phó Trưởng ban thường trực và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ là thành viên của Ban chỉ đạo.
Ba là, cần đặt ra tầm nhìn dài hạn, xác định các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và các chương trình/dự án trọng điểm để triển khai thực hiện trong các Chiến lược của ngành, lĩnh vực. Ngành TN&MT là một trong số ít các ngành sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 179/2004/QĐ-TTg ngày 06/10/2004. Chiến lược 179/2004/QĐ-TTg có vai trò quan trọng trong thành công của ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ngành TN&MT trong giai đoạn từ 2005-2020. Trong giai đoạn mới 2021-2030, với tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), Trí tuệ nhân tạo và yêu cầu mới về chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Chương trình chuyển đối số ngành TN&MT đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 xác định tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới.
Bốn là, xây dựng CSDL quốc gia, chuyên ngành TN&MT và các hệ thống thông tin luôn được quan tâm, đưa vào các quy định cụ thể trong các Luật chuyên ngành. Đây là căn cứ pháp lý cao nhất để tổ chức thực hiện thống nhất, hiệu quả.

Năm là, nguyên tắc quan trọng nhất trong xây dựng CSDL, phát triển các hệ thống thông tin là cần tuân thủ Kiến trúc CPĐT ngành TN&MT. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kiến trúc CPĐT ngành TN&MT các phiên bản 1.0, 2.0, trong đó quy định rõ danh mục các CSDL, hệ thống thông tin; kiến trúc thường xuyên được rà soát, cập nhật. CSDL, hệ thống thông tin được đề xuất xây dựng trong các đề án/chương trình/dự án phải thuộc danh mục đã quy định trong Kiến trúc mới được thực hiện. Ngoài ra, với các hệ thống thông tin lớn, quan trọng trước khi triển khai xây dựng, cần xây dựng kiến trúc tổng thể cho hệ thống thông tin đó.

Sáu là, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn và các quy định kỹ thuật về nội dung, cấu trúc dữ liệu cho các CSDL quốc gia, chuyên ngành là yếu tố có vai trò quyết định trong thành công của xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các CSDL quốc gia, chuyên ngành thông qua các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và các hệ thống thông tin.
Bẩy là, tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống” là các tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả của việc xây dựng các CSDL. Do đó, xây dựng CSDL cần đi kèm với các triển khai các hệ thống thông tin nghiệp vụ, chuyên ngành tác nghiệp, cập nhật CSDL đó và thông tin, dữ liệu từ các CSDL cần gắn chặt chẽ với triển khai các thủ tục hành chính, dịch vụ công và các hoạt động chỉ đạo, điều hành.

Tám là, bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật và bảo vệ an ninh mạng cho các CSDL, các hệ thống thông tin cần được quan tâm đặc biệt. Các hệ thống thông tin phải được xác định cấp độ, đánh giá an toàn thông tin và xây dựng phương án bảo đảm an toàn thông tin theo các kịch bản cụ thể. Ngoài ra, cần đầu tư thích đáng cho hạ tầng CNTT, các giải pháp an ninh, bảo mật cho hệ thống mạng, trung tâm dữ liệu và bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Chín là, Bộ Tài nguyên và Môi trường là một trong số các Bộ, ngành đầu tiên xây dựng, ban hành quy trình, định mức xây dựng, duy trì, vận hành các CSDL, hệ thống thông tin. Với các quy định này, việc triển khai các dự án, nhiệm vụ về xây dựng, triển khai, duy trì, vận hành các CSDL, hệ thống thông tin nhanh, hiệu quả hơn.

Theo chương trình làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Saynakhone Inthavong cùng đoàn công tác đã ghé thăm trung tâm dữ liệu (DC) của Bộ TN&MT đặt tại Cục CĐS. Tại đây, ông Trần Văn Trung - Giám đốc Trung tâm Cơ sở hạ tầng và bảo đảm an toàn thông tin đã giới thiệu với đoàn về các nền tảng công nghệ, hệ thống thiết bị, giải pháp tiên tiến đã được Cục CĐS xây dựng, ứng dụng và vận hành thông suốt, chính xác, tin cậy và bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình hoạt động và phát triển của công tác chuyển đổi số ngành TN&MT.

Buổi tiếp và làm việc với đoàn đã diễn ra thành công tốt đẹp. Cục trưởng Lê Phú Hà, lãnh đạo Cục và các cán bộ chủ chốt đã chụp ảnh lưu niệm cùng Thứ trưởng Bộ TN&MT nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Saynakhone Inthavong cùng đoàn công tác tại sảnh trước, trụ sở làm việc của Cục CĐS số 28 Phạm Văn Đồng, Hà Nội.